Trong các nhà trường nói chung, trường tiểu học nói riêng, hoạt động chuyên môn là hoạt động chủ yếu thực hiện Chương trình, kế hoạch giáo dục; Chuẩn kiến thức – kĩ năng; Đổi mới phương pháp dạy học; Đổi mới kiểm tra đánh giá , … theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở đó, giáo viên cùng nhau thiết kế kế hoạch dạy học, đưa ra phương án tối ưu, cùng nhau dự giờ, quan sát, suy ngẫm, và chia sẻ, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học vào bài học hàng ngày một cách có hiệu quả.
Cũng giống như việc xác định mục tiêu kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt được khi tiến hành nghiên cứu (theo chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng môn học), đảm bảo phù hợp với trình độ của học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên, tập thể giáo viên khối trường Tiểu học Hồng Kỳ luôn xác định được mục tiêu để xây dựng kế hoạch bài học nghiên cứu. Các giáo viên trong tổ cùng nhau thảo luận chi tiết về thể loại bài học, nội dung bài học, các phương pháp, phương tiện dạy học đạt hiệu quả cao, cách tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, cách rèn kĩ năng, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn …Từ đó, dự kiến được những thuận lợi, khó khăn của học sinh khi tham gia các hoạt động học tập và các tình huống xảy ra và cách xử lí.
Sau khi trao đổi, hoàn thành xây dựng giáo án của bài học nghiên cứu chi tiết, một giáo viên của Tổ 4 sẽ dạy minh họa bài học nghiên cứu ở một lớp học cụ thể, các giáo viên còn lại trong tổ sẽ dự giờ và ghi chép thu thập dữ kiện về bài học.
Tất cả giáo viên dự giờ đều đảm bảo nguyên tắc:
- Không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh cũng như không gây áp lực cho giáo viên.
- Dự giờ là tập trung vào các phản ứng, thái độ, tình cảm của học sinh trong quá trình tiếp cận tri thức.
- Dự giờ là quan sát để “không bỏ rơi một học sinh nào”.
- Dự giờ là chúng tôi đặt mình vào vị trí của người dạy để phát hiện ra những khó khăn trong việc học của học sinh để tìm cách giải quyết.
Từ đó, chúng tôi kiểm nghiệm những vấn đề đã được thể hiện qua tiết dự giờ để cùng thảo luận, suy ngẫm áp dụng vào bài học hàng ngày cho phù hợp, đạt hiệu quả tốt.
Ngoài ra, thông qua tiết sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học, tổ trưởng chuyên môn phát huy được vai trò, năng lực của người chủ trì, động viên giáo viên trong tổ tham gia đóng góp ý kiến. Không những thế, mỗi thành viên của Tổ 4 hình thành cho mình thói quen lắng nghe lẫn nhau, rèn luyện cách chia sẻ ý kiến, từ đó hoàn thành mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện, cộng tác và học tập lẫn nhau.
Năm học 2022 - 2023 với nhiều đổi mới cả về hình thức và phương pháp dạy học. Với cách tiếp cận Chương trình GDPT 2018 qua các buổi sinh hoạt CM theo NCBH, mỗi giáo viên Tổ 4 chúng tôi lại cùng nhau xây dựng các tiết dạy với nhiều năng lượng, sáng tạo cho một năm học mới với nhiều thành công mới.
Ban truyền thông Tổ 4