Đây chính là trăn trở của các cô giáo trong tổ 5 trường Tiểu học Hồng Kỳ. Trải qua nhiều lần trao đổi, chia sẻ, các cô đã tự trả lời: Phương pháp dạy học sử dụng sơ đồ tư duy chính là một công cụ hữu hiệu giúp bạn giải quyết vấn đề đó.
Cô Trần Thu Lân, GVCN lớp 5A5 phân tích: Bộ não của chúng ta được chia thành 2 bán cầu: bán cầu não trái và bán cầu não phải. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện nay con người mới chỉ sử dụng hết 10% khả năng của bộ não và đa phần đều là não trái (tư duy logic), chúng ta gần như đang bỏ quên việc tư duy bằng não phải (phân tích thông tin thông qua hình ảnh). Vậy làm thế nào để có thể sử dụng tối đa công suất của não bộ? Đó là lý do vì sao “Sơ đồ tư duy” ra đời.
Cô Đinh Thị Lý – TTCM nói thêm: Lợi ích mà bản đồ tư duy (Mind Map) mang lại cho các em HS là không nhỏ như: Giúp các em ghi nhớ tốt hơn; biết cách sắp xếp thông tin và ý tưởng một cách khoa học, hệ thống hơn; kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của các em. Thay vì những gạch đầu dòng nhàm chán, ghi nhớ bằng một bản đồ với những hình ảnh và màu sắc sinh động sẽ giúp bé không còn kém tập trung, diễn đạt lủng củng hay nhớ trước quên sau nữa.
Sau khi trao đổi, thảo luận, các cô đều nhất trí rằng nếu các bài học các em được hướng dẫn ghi nhớ kiến thức bằng Sơ đồ tư duy sẽ đem lại nhiều lợi ích như:
- Phát huy khả năng sáng tạo, năng lực tư duy của học sinh (Khi thiết kế sơ đồ tư duy, các em học sinh được tự do thoải mái sáng tạo theo ý mình để thể hiện phong cách cá nhân, dấu ấn riêng của mỗi em).
- Tiết kiệm thời gian (Thay vì phải ghi chép các câu văn rất dài, học sinh chỉ cần tóm tắt các từ khóa chính một cách cô đọng, xúc tích mà vẫn đảm bảo kiến thức cần ghi nhớ).
- Nhìn thấy được bức tranh tổng thể (Khi nhìn vào sơ đồ tư duy, học sinh sẽ có cái nhìn tổng quát về những kiến thức mình cần ghi nhớ, đâu là trọng tâm, đâu là các ý chính, đâu là các ý phụ).
- Ghi nhớ tốt hơn (Việc học và ghi nhớ các kiến thức trước mỗi kì thi sẽ trở nên dễ dàng hơn cho học sinh bởi nhìn vào sơ đồ tư duy, các em có thể định hình được đâu là ý chính cần ghi nhớ, từ đó có thể tự phát triển các ý phụ theo ý tưởng và tư duy của bản thân mình. Việc tổng hợp tất cả kiến thức vào sơ đồ tư duy giúp học sinh không bỏ sót các chi tiết khi học).
- Tận dụng sự hỗ trợ của phần mềm (Khi xây dựng một sơ đồ tư duy cho riêng mình, người học có thể tự thiết kế với bút màu hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Việc sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà vẫn hoàn thành được một sơ đồ tư duy như mong muốn).
Việc làm quen và học bản đồ tư duy có thể bắt đầu ngay từ đầu năm học. Chúng ta nên bắt đầu từ những dạng bản đồ đơn giản. Hiểu được điều đó, các cô đã áp dụng Sơ đồ tư duy vào dạy các bài học (nhất là các bài ôn tập). Các cô hướng dẫn các con tỉ mỉ từng bước vẽ sơ đồ, từ tìm hình ảnh trung tâm, đến vẽ nhánh chính, nhánh phụ, cách sử dụng màu sắc, hình ảnh gợi nhớ…
Trong các tiết học chúng tôi đã áp dụng phương pháp vẽ Sơ đồ tư duy để các con ghi nhớ nhanh, ghi nhớ lâu kiến thức; đồng thời giú các con biết cách sắp xếp thông tin một cách khoa học, hệ thống hơn.
Các con rất hào hứng sáng tạo, học tập tích cực và có nhiều sản phẩm vừa chuẩn kiến thức, vừa rực rỡ màu sắc, lại dễ nhớ, dễ học. Được lên thuyết trình giới thiệu Mind map của mình, các bạn hết sức tự hào, tự tin.
Hi vọng việc áp dụng các phương pháp mới, tiên tiến vào dạy học của chúng tôi, đội ngũ giáo viên lớp 5 trường Tiểu học Hồng Kỳ sẽ giúp các con thêm hào hứng học tập, biến việc học trở nên hấp dẫn, thú vị mà lại nhẹ nhàng, không áp lực, khiến mỗi ngày đến trường luôn là một ngày vui.
Sau đây là một số Sơ đồ tư duy do các con thực hiện
Môn Toán
Môn Tập làm văn
Môn Khoa học
Môn Toán
Môn Lịch Sử
Môn Địa lý
Ban Truyền thông khối 5